Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn Tỉnh
Trên địa bàn Bình Thuận hiện đã hình thành 81 chợ kinh doanh tổng hợp và 1 siêu thị tổng hợp (Co.op Mart Phan Thiết). Ngoài ra còn có 3 chợ chuyên doanh hải sản được đầu tư tại các địa bàn có thế mạnh về đánh bắt hải sản là TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong).
Trên địa bàn Bình Thuận hiện đã hình thành 81 chợ kinh doanh tổng hợp và 1 siêu thị tổng hợp (Co.op Mart Phan Thiết). Ngoài ra còn có 3 chợ chuyên doanh hải sản được đầu tư tại các địa bàn có thế mạnh về đánh bắt hải sản là TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong). Đó là chưa kể một số điểm chuyên doanh mặt hàng khác như: Siêu thị điện máy Hoàng Vũ, E- Đen, siêu thị trưng bày sản phẩm trang trí nội thất cao cấp - điện lạnh và kho chứa hàng Quản Trung… Với số lượng trên, hệ thống thương mại dường như chưa thể đáp ứng sự thuận lợi trong đi lại, mua sắm văn minh của hầu hết người tiêu dùng. Chính vì vậy mà nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục hoàn tất thủ tục hồ sơ để triển khai đầu tư xây dựng thêm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Có thể kể đến siêu thị Phan Rí Cửa, chợ Chí Công, Phước Thể (Tuy Phong), chợ Chợ Lầu (Bắc Bình), chợ La Gi và Tân Tiến (La Gi), chợ Thắng Hải, Tân Hà, Tân Thắng, Sông Phan, Tân Đức (Hàm Tân)… Hoặc như tại Phan Thiết, mới đây cũng đã khởi công dự án siêu thị Vinatext Mart Phan Thiết, Trung tâm Thương mại Rạng Đông.
Theo định hướng của ngành công thương, việc xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại sẽ tập trung ở các khu đô thị, khu du lịch, khu dân cư đông đúc. Vì thế thời gian qua địa phương đã đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư thêm các siêu thị (Chợ Lầu, La Gi, Tân Minh, Đức Tài, Lạc Tánh…). Hiện tại ngành chức năng cũng kêu gọi, huy động các nguồn lực để tiến hành nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ phục vụ phát triển đô thị. Trong danh sách này có các chợ (Mũi Né, Thạch Long, Đức Long, Hàm Tiến, Phú Hài, Phú Tài, Tân Phước, Tân Thiện, Tân Bình, Tân Nghĩa, Ngã ba 46, Võ Xu…).
Do nhu cầu cuộc sống, đúng là “cái chợ” không thể thiếu ở những nơi hình thành nên khu dân cư. Nhưng trong quản lý, ngành chức năng và các địa phương nên thận trọng nhằm tránh tình trạng “nhà nhà xây chợ” mà quên tính đến “người người đi chợ” hay không. Đặc biệt là cần cân nhắc trong quy hoạch địa điểm, quy mô đầu tư và xác định công trình ưu tiên tập trung để không gây ra lãng phí. Bởi thực tế, hiện cũng có nhiều chợ quá tải chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, song cũng có chợ xây xong rồi bỏ trống trong thời gian dài. Hay như có chợ đó nhưng người mua, kẻ bán ngại vào trong mà lấn chiếm lòng lề đường, tụ tập nơi vỉa hè mất mỹ quan đô thị.
Qua tìm hiểu được biết, sắp tới các công trình được tỉnh tập trung đầu tư sẽ là chợ Phan Thiết, chợ Phú Long và nâng cấp, mở rộng 21 chợ dân sinh ở các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó còn ưu tiên triển khai xây dựng siêu thị Phan Rí Cửa và siêu thị La Gi, hình thành trung tâm thương mại Mũi Né và Tân Nghĩa… Với định hướng quy hoạch và phát triển thương mại ở các địa bàn, có thể thấy trong tương lai không xa: Chợ - trung tâm thương mại - siêu thị xuất hiện khắp các khu đô thị. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng đáng quan ngại nếu không được ngành chức năng, các địa phương trao đổi với nhà đầu tư và tiểu thương để lựa chọn phương án đầu tư hợp lý nhất. Vì khi có sự đồng thuận về địa điểm phù hợp, quy mô đáp ứng nhu cầu, chuyên doanh mặt hàng chủ lực… thì mới đem lại hiệu quả cao nhất. Qua đó sẽ tránh được lãng phí trong đầu tư mà vẫn đạt mục tiêu xây dựng văn minh thương mại, hạn chế phát sinh xung đột giữa chợ truyền thống với siêu thị hiện đại.